Trước tiên em xin được cảm ơn sâu sắc tới quý thầy cô Kaizen, các anh chị công ty Esuhai. Đặc biệt, em xin cảm ơn Hiệu trưởng - Giám đốc Lê Long Sơn, cảm ơn thầy đã tạo ra và vận hành một chiếc cầu thật tuyệt và ý nghĩa nối hai đầu Việt - Nhật.
Nhân đây em cũng có đôi lời nhắn nhủ gửi đến các bạn Kohai của mình về hành trình sống và làm việc tại đất nước mặt trời mọc! Các bạn thân mến, khi bước lên máy bay ra khỏi lãnh thổ, Yến tự dặn lòng rằng từ nay bộ mặt mình cũng là bộ mặt của một quốc gia, những hành động của mình với người Nhật, người nước ngoài sẽ xem là của ''Người Việt'' chứ không phải chỉ riêng của ''Yen Chan''. Chính vì suy nghĩ đó, nên Yến luôn cố gắng để làm mọi việc tốt nhất có thể bằng cái tâm của mình. Bỏ ngoài tai những lời nói kiểu như: "Mày có làm hơn nữa thì Sếp cũng có trả thêm lương đâu".
Nhiều khi những việc nhỏ nhỏ theo thói quen như ăn xong lau bàn, xếp ghế của mình gọn gàng và cho cả những người Nhật nếu họ vô tình quên, ra khỏi phòng điều hoà thì kéo cửa, tiết kiệm bọc nilon, tắt các thiết bị điện mình không dùng tới, vứt rác nhà ăn, chào hỏi vui vẻ với tất cả mọi người, giúp các cô hàng xóm cắt cỏ quanh ký túc xá (KTX)…
Yến cứ nghĩ đó là việc bình thường, là đương nhiên nhưng một lần được Sếp Trưởng công trường khen ngợi, Yến mới hết hồn các bạn ạ! Thật ra họ để ý, biết hết thảy và đánh giá mình qua đó. Hãy luôn suy nghĩ cho người khác, hãy cho đi và đừng vị kỷ, toan tính nhé các bạn Kohai!
Có lẽ nhờ những hạt mầm nhỏ bé ấy mà 3,5 năm thực tập của Yến quá tuyệt vời cho tới những ngày cuối cùng. Ngày Visa hết hạn, tụi Yến được Sếp lo lắng mọi thứ cho như những ngày đầu. Hết 6 tháng gia hạn đầu tiên, ngày đặt vé về cả Sếp Tổng và Sếp Phó đều đến KTX túc trực đặt vé cho Yến bằng được vì Yến muốn về, dù Visa Sếp đã gia hạn cho 6 tháng tiếp theo tới tháng 6/2021 rồi. Mọi chi phí thuế chưa nộp, vé về Sếp lo hết thảy.
Ngày về, sáng sớm Hiroshima thật lạnh thế mà mới 6h kém đã thấy hai Sếp lọ mọ tới tận KTX để tiễn chân và không quên mang cả lì xì cho Yến nữa, thật sự lúc ấy trong lòng Yến cảm động khôn nguôi. Còn thầy Kita ở Hiệp hội tiễn lên Shinkansen để tới sân bay Narita và dặn dò, động viên đủ thứ, ôm tạm biệt, mắt đã cay xè. Lên tàu, đọc tin nhắn Sếp qua Line, thể hiện lòng cảm mến có, dặn dò có, cỗ vũ có,... thì không kìm được nữa, Yến đã khóc tu tu như một đứa trẻ. Có thể nói nếu không không có Esuhai, không có Công ty bên Nhật, không có Hiệp hội thì không có Yến của ngày hôm nay.
Từ hành trình của mình, Yến muốn nhắn nhủ hãy làm việc, học tập và đối xử với mọi người bằng cả trái tim mình, các bạn Kohai nhé!